Người hoài niệm luôn mang một nỗi buồn man mác, đầy khắc khoải. Nhưng lí do để nhớ về nó ư, gặm nhấm nó trong những ngày tháng hoang hoải để cảm thấy lòng nhẹ tênh trôi về những ngày xưa cũ, thấy cuộc đời này vẫn đầy thanh sắc thật lạ…
Càng lớn, càng tin vào duyên số. Hôm nay nhớ về “hai người bạn” lớn tuổi đã từng đến như hương mùa thu, nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc.
Người tôi gọi bằng chú, người đã lên chức ông từ lâu. Hai thành phần, hai xuất thân chẳng gì ăn nhập nhưng lại liên kết với nhau bởi một chữ “ngỡ” đơn giản – duyên!
Người “xưa cũ hơn” tôi được duyên gặp trước là chú – “quản gia” trường cấp ba. Ngày đầu gặp chú là ngày tôi chân ướt chân ráo đặt chân vào danh xưng “trường chuyên” nghe thật oách, có bao giờ tôi nghĩ đời có nhiều ngã rẽ như vậy.
Chú có đôi mắt sâu nhưng thật hiền từ và nhân hậu, chú bạn của tôi có dáng người hơi gầy nhưng đầy rắn chắc bởi những đường gân xanh lằn lên cánh tay xạm đen, chai sần vì năm tháng. Thước phim về kỉ niệm đầu tiên có lẽ khó lòng mà phai mờ được, ít nhất là trong tâm trí tôi.
Nói về kỉ niệm về chú thì có kể cả ngày cũng không hết. Con người tôi thật lạ, nhiều khi hạnh phúc bởi những điều rất giản đơn. Chú rất ân cần đối với không chỉ tôi mà tất cả những bạn học sinh khác; chú chăm chút từng vật dụng khi chúng tôi có hấp tấp giờ vào lớp hay chỉ mãi lẩm nhẩm vài câu học bài trước khi vào thi, bỏ quên nơi nhà xe cũ kỹ. Tôi và chú nói chuyện không nhiều, không phải tỉ tê cả nghìn lẻ một chuyện trên đời này như đứa bạn thân, mà dường như chỉ cần nhìn ánh mắt tôi, chú cũng hiểu tôi nghĩ gì. Có những lúc tôi thật con nít khi giận lây chú vì tôi không làm bài thi tốt, trách mình đã hứa với chú là thi tốt nhưng rồi lại mang bộ mặt như bánh bao chiều gặp chú.
Rồi cả những cảm xúc đầu đời của tuổi mới lớn. Mắt chú luôn ẩn hiện dưới lớp kính lão trông thật hay nhưng tinh anh vô cùng. Chú biết những biểu hiện khác của tôi, có đoạn chú chỉ trực là trêu tôi cười vì thích cậu bạn đó, còn tôi lẳng lặng bỏ đi một mạch không quên cho chú một câu hậm hực “Chú này!” kèm theo tiếng cười lớn của chú làm tôi ngượng chín mặt. Nhưng đó cũng chỉ là bong bóng mùa hè, như bao mối tình đầu của các cô cậu học trò khác. Hôm đó, tôi đạp xe hì hục vì đi trễ nhưng chẳng buồn nhấc giò lên mà chạy như mọi hôm khi đến nhà xe. Cái vẻ điềm tĩnh của tôi khi đó trông thật đáng ghét. Lửng thửng đi nhìn tận đẩu tận đâu lướt qua chú như người xa lạ; đoạn nghĩ gì tôi quay đầu lại “Con bị đá rồi chú ạ” kèm theo nụ cười quái gở như kẻ lữ hành cô độc. Chú không kịp nói gì nhìn theo tôi dần khuất vào lớp học…
Những kỉ niệm về tôi và chú chỉ là những mẩu chuyện ngắn cũn cỡn nhưng là không thể thiếu trong mảnh ghép cuộc đời. Những món quà chú cẩn thận gói gém tặng tôi, những đồ vật với đám bạn của tôi thì nó thật bình thường, nhưng tôi luôn nhớ câu của chú khi tặng tôi thật chân thành: “Ngày con tìm được người yêu thương con kể cả khi ốm đau giận hờn, kể cả khi con xấu xí già nua thì hãy đưa cái này cho nó nhé!”. Không món quà nào tôi không trân quí, năm nào, hè nào tôi cũng phải tranh thủ ghé chào chú, dù chỉ một vài câu bông đùa hay chỉ để an tâm, ừ chú vẫn ở đó!
Thế rồi ba năm cấp ba cũng trôi nhanh như cánh phượng đỏ.
Năm đó tôi thi xong đại học và lên đường về quê giỗ đầu nội. Ngồi chung toa với tôi có cả người bạn “xưa cũ”. Ông năm đó đã bảy mươi mấy mùa xuân, thích thơ và luôn nở trên môi nụ cười hiền. Cứ đi qua một vùng đất đem lại cho ông nhiều cảm xúc ông lại tốc ký vội dòng thơ của mình trên cuốn sổ nằm gọn trong lòng bàn tay.
Rồi ông nghêu ngao nghêu ngao tác phẩm của mình thật tâm đắc. Chuyến tàu đưa tôi đi trong mớ cảm xúc lẫn lộn giữa thi cử, được mất, hơn thua! Nhưng lạ thay, cắt đứt mạch cảm xúc của tôi là cú phanh gấp của tàu vì lý do gì tôi không rõ. ông đánh rơi cuốn sổ dưới chân tôi.
Tôi cúi xuống cầm lên thì đúng bài dáng cây bon sai. ông khắc họa tư thế cây bon sai như một người thiếu nữ chưa chồng nhưng phải chịu uốn nắn, chăm bẵm để được một thế thật ưng ý. Là thanh tao nhưng gò bó, là đẹp mỹ miều nhưng không được tự do tự tại để rồi một khát vọng, một tiếng nói của bon sai là mong muốn được sống một cuộc sống ung dung, không hề hà lễ nghi phép tắc, thoải mái vươn những chồi non mà không bị gọt tỉa, để đẹp theo một cách hoang dại, mê say nhất! Tiếng gọi của ông đưa tôi trở về với thực tại “Cám ơn cháu nhé!”.
Tôi thấy mình đâu đó trong cây bon sai. Từ lúc ấy trở đi, tôi và ông cứ hàn huyên về tập thơ – đứa con tinh thần ông nâng niu. Nhưng rồi chuyến đi nào cũng có hồi kết. ông gần đến ga quê nhà – nơi mà con ông cùng những đứa cháu nội ngoại lóc chóc đang mong ngóng. Tôi nhìn ông nhưng không ngôn ngữ đối với tôi lúc này như hóa đá. Tôi thấy ông đang viết, là viết về một bài thơ. Nó là dành tặng tôi, ông hắng giọng đọc lớn cho cả bố tôi nghe nữa, giọng chậm rãi, run run của ông xé ngang tiếng phanh của đoàn tàu khi đang vào ga:
Gặp nhau trên Thống Nhất 3 –
Hỏi ra thì cháu cũng là yêu thơ
Thơ ông là loại thơ ngông
Cháu thích thì đọc mấy dòng cho vui
đời người bú ngọt bú bùi
Vượt qua chướng ngại, không lùi khó khăn
Tuổi cháu là tuổi tròn trăng
Tâm hồn tinh khiết như vầng thái dương
Nếu trong cô giữ tròn vuông
Lấy người thương để mở đường tương lai
Bất kì mối duyên nào cũng là đáng trân trọng. Dù là tờ giấy thiệp được cắt vuông vức, nắn nót nét chữ hoặc giả hay trang giấy viết vội xé ngang thì đều cho tôi những miền ký ức đẹp đến thanh tịnh tâm can. Suốt cuộc đời này tôi xin nguyện lĩnh ý của hai người bạn lớn tuổi, là màu trắng tinh khiết xóa đi những vẩn đục nổi trôi trên dòng đời ngược xuôi trong những ngày tháng tới!
Thương nhớ những người bạn của tôi
08/05/2016